Bàn đến phương pháp nghiên cứu nếu chỉ dừng lại ở phương pháp nghiên cứu định lượng hay định tính thì chưa đủ. Bản thân chúng là phương pháp luận (methodology) hay là các cách tiếp cận nghiên cứu, trước và sau chúng còn có nhiều tầng thứ và khái niệm khác.

Theo Creswell (2009), có thể chia thành 03 cấp độ sau: (a) thế giới quan triết học (philosophical worldviews), (b) cách tiếp cận nghiên cứu (approaches), và (c) phương pháp nghiên cứu (research methods).

Thế giới quan triết học hay còn được các nhà nghiên cứu khác gọi là hệ mẫu hình (research paradigm) – thuật ngữ ‘paradigm’ là thuật ngữ do Thomas Kuhn đưa ra trong cuốn sách nổi tiếng Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học (xuất bản lần đầu 1962, lần 2 1970). Sau đó, với tác phẩm Khảo sát thuận tự nhiên (Naturalistic Inquiry) của Lincohn và Guba xuất bản năm 1985 thì thuật ngữ paradigm được sử dụng rộng rãi. Khái niệm này dùng để chỉ là nền tảng lý luận triết học dẫn dắt nhà nghiên cứu tới bản chất thực tại và chỉ ra cách thức để hiểu thực tại đó.

Cách tiếp cận nghiên cứu (research approach) là tập hợp các lý luận về phương pháp giúp nhà nghiên cứu thực hiện nghiên cứu và diễn giải bản chất vấn đề.

Phương pháp nghiên cứu (research methods) chính là các thành tố hay cách làm cụ thể ở từng công đoạn cụ thể để đạt tới bản chất vấn đề.

Thế giới quan triết học theo Creswell bao gồm 4 loại chính gồm hậu thực chứng, thuyết kiến tạo xã hội, chủ nghĩa thực dụng, và tiếp cận biện hộ và có sự tham gia (advocacy and participatory). Cách tiếp cận nghiên cứu có 3 loại, gồm định tính, định lượng và hỗn hợp. Mỗi cách tiếp cận này lại có nhiều các chiến lược nghiên cứu khác nhau ví dụ định tính gồm (ethnography, grounded theory methods, case studies, …). Mỗi chiến lược nghiên cứu có cách thức thiết kế câu hỏi nghiên cứu, xây dựng giả thuyết nghiên cứu, khung lý thuyết nghiên cứu, phương pháp đạt tới các vấn đề đạo đức, phương pháp chọn mẫu (sampling), thu thập dữ liệu (data collection), phương pháp làm sạch và nâng cao độ tin cậy (validation, credibility), phương pháp diễn giải và phân tích dữ liệu (data interpretation and analysis).

Ở đây, mình sẽ trình bày tóm lược từ các thế giới quan triết học.

Thế giới quan triết học: Nói gọn, đây là nền tảng lý luận triết học chung nhất để nhìn nhận bản chất thực tại. Mỗi thế giới quan đều bàn tới 2 vấn đề cơ bản: bản thể luận và nhận thức luận. Nó hướng tới trả lời hai câu hỏi: Bản chất thực tại là gì? (ontology – bản thể luận) và Làm thế nào để nhận thức được bản chất này (epistemology – nhận thức luận). Về cơ bản, có 4 trường phái lý giải bản thể luận và nhận thức luận khác nhau.

(a) Trường phái thực chứng hay hậu thực chứng (positivism/post-positivism) lý giải thực tại là sự kiện xã hội, mà bản chất của sự kiện xã hội là một thực tại khách quan, muốn đạt tới bản chất của nó thì phải sử dụng cách tiếp cận khoa học tự nhiên. Do đó, trường phái này làm cơ sở cho nghiên cứu định lượng. Trong định lượng, hai chiến lược chính là điều tra xã hội (social survey) và thí nghiệm. Về cơ bản, hai chiến lược này đều hướng tới lượng hóa vấn đề, sử dụng lý thuyết thống kê theo quy luật số lớn để diễn giải số liệu.

(b) Trường phái thứ hai là thuyết kiến tạo xã hội (constructivism hay social construction) xem thực tại xã hội được tạo thành chính bởi bản thân con người sống trong đó. Do đó, khi chúng ta nghiên cứu một nhóm nào đó, thực tại chính là cái mà nhóm đó tạo thành trong quá trình sinh sống và tương tác với nhau. Để hiểu được thực tại đó, chúng ta cần phải nghiên cứu cách những con người trong nhóm đó nhìn nhận thế giới, các kinh nghiệm họ đã trải qua, các quan hệ họ xây dựng và duy trì, các vấn đề mà họ đang gặp phải. Với quan niệm này, thuyết kiến tạo xã hội là cơ sở cho xây dựng cách tiếp cận nghiên cứu định tính.

Trong cách tiếp cận nghiên cứu định tính, có nhiều chiến lược nghiên cứu, ví dụ điền dã dân tộc học (ethnography), lý thuyết từ cơ sở (grounded theory methods), nghiên cứu trường hợp (case studies), nghiên cứu tường thuật (narrative studies), hiện tượng luận (phenomenology), phương pháp luận dân dã (ethnomethodology),… Mỗi chiến lược này bao gồm cách thức đặt câu hỏi, chọn mẫu, thu thập dữ liệu (phương pháp chủ đạo, độ dài ngắn, số lượng), cách thức làm sạch, và diễn giải dữ liệu khác nhau. Các phương pháp thu thập thông tin phổ biến như phỏng vấn, quan sát tham dự, phỏng vấn nhóm, nghiên cứu tài liệu, v.v. sẽ được sử dụng một cách linh hoạt, với yêu cầu khác nhau.

(c) Trường phái thứ 3 là chủ nghĩa thực dụng (pragmatism) cho rằng điều quan trọng không phải phương pháp, mà là ở vấn đề nghiên cứu – hay là một thực tại xã hội nào đó. Do đó, để hiểu được thực tại đó thì nhà nghiên cứu có thể sử dụng bất kỳ phương pháp nào hiệu quả, từ đây xây dựng ra cách kết hợp định tính định lượng trong thiết kế, thu thập, lý giải thông tin – chính là mixed methods approach. Trong chiến lược nghiên cứu hỗn hợp, nhà nghiên cứu có thể sử dụng song song định lượng và định tính (concurrent), hay tuần tự cái trước cái sau (sequential), hay biến đổi (transformative) sử dụng một thấu kính lý thuyết và sử dụng linh hoạt định lượng và định tính.

(d) Trường phái cuối cùng là thuyết biện hộ và sự tham gia. Trường phái này chú trọng vào việc thay đổi (change-oriented), gắn với chính trị. Do đó nghiên cứu theo trường phái này cần phải tạo ra cơ hội để thay đổi vấn đề nào đó của thực tại thông qua việc cho phép người tham gia nói lên tiếng nói của mình thông qua các phương pháp vận động đặc biệt, tổng hợp và chuyển tiếng nói đó tới tới các nhà lập chính sách, nhằm tạo ra những kết quả có lợi cho các nhóm đó trên thực tế. Trường phái này là cơ sở cho các nghiên cứu phát triển có sự tham gia ví dụ như sử dụng phương pháp đánh giá nhanh nông thôn (PRA – participatory rapid assessment) ví dụ như bản đồ cộng đồng, transect walk, seasonal calendar,… Trong nghiên cứu có sự tham gia, định tính thường được sử dụng, nhưng không loại trừ việc sử dụng các phương pháp định lượng để kiểm đếm, đo lường.

Tài liệu tham khảo

Creswell, J. (2003). Research design: Qualitative, quantitative, and mixed methods approaches (2nd ed). Thousand Oaks, CA: Sage.

Creswell, J. W. (2007). Qualitative inquiry and research design: Choosing among five approaches (3rd ed.). Thousand Oaks, CA: Sage.

Lincoln, Y. S., & Guba, E. G. (1985). Naturalistic inquiry. Beverly Hills, CA: Sage.

Kuhn, T. 1962. The Structure of Scientific Revolutions. University of Chicago Press: Chicago.

Kien Nguyen-Trung

Kien is currently PhD candidate and teaching associate at Faculty of Arts, Monash University, Australia. His research focuses on social vulnerability, natural disaster, disaster responses and recovery, social network and social capital, and social media. His most recent publications include Social support from bonding and bridging relationships in disaster recovery: Findings from a slow-onset disasterVulnerability to Natural Disasters: The Case of Vietnam’s Mekong Delta and Defining Vulnerability